Mỗi loại da có những đặc điểm riêng và cần được chăm sóc theo những cách khác nhau. Hãy cùng Sakirei tìm hiểu có các loại da cơ bản nào dưới bài viết sau nhé.
Các loại da cơ bản được phân loại từ các yếu tố nào?
Mỗi người đều sở hữu một loại da khác nhau. Điều này dựa trên lượng dầu mà da bạn sản xuất, độ ẩm và sự nhạy cảm của da. Ngoài ra, các loại da được xác định bởi yếu tố di truyền, mặc dù nó cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác và có thể thay đổi theo thời gian.
Nhận biết loại da của bạn đóng một vai trò quan trọng trong việc lựa chọn cách trang điểm và các sản phẩm bạn sử dụng trong quy trình chăm sóc da của mình. Do đó, điều quan trọng là phải tìm hiểu về các loại da khác nhau để cải thiện sức khỏe tổng thể và vẻ ngoài của làn da.
Các loại da cơ bản được hình thành từ sự tiết bã nhờn hoặc có tính di truyền.
Có mấy loại da cơ bản? Và cách nhận biết các loại da
Từ các yếu tố trên, chúng ta có thể nhận biết được 5 loại da cơ bản: da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm. Mỗi loại da đều có các đặc điểm và tính chất khác nhau. Để xác định từng loại da, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây.
1. Nhận biết các loại da sau bước làm sạch
Sau khi đã rửa mặt thật sạch bằng sữa rửa mặt, từ đây bạn hãy khoan dùng các bước dưỡng da tiếp theo, hãy để da mặt khô ráo và quan sát kỹ trong vòng 10-15 phút để xác định các biểu hiện theo từng loại da:
- Đối với da thường: không xuất hiện bất cứ biểu hiện bất thường nào diễn ra trên da, bề mặt da hoàn toàn khô ráo, thoải mái.
- Đối với da khô: cảm giác khó chịu và khô căng trên bề mặt da sau khi rửa mặt
- Với da dầu: sau khi rửa mặt da có cảm giác khô thoáng, nhưng sau vài phút sẽ có hiện tượng đổ dầu, nhờn bóng tiếp tục xảy ra trên da.
- Với da hỗn hợp: ở các vị trí vùng chữ T (cằm, mũi, trán) sạch thoáng, nhưng lại có cảm giác khô căng ở hai bên má.
- Với da nhạy cảm: thường có hiện tượng da bị ửng đỏ sau khi rửa mặt, thậm chí có thể bị ngứa rát hoặc dị ứng khi dùng sản phẩm rửa mặt không phù hợp hoặc sản phẩm chứa chất tẩy rửa mạnh.
Rửa sạch mặt và để da khô trong 10-15 phút để xác định từng loại da.
2. Xác định từng loại da bằng giấy thấm dầu
Đây là một phương pháp đơn giản và hiệu quả để biết da bạn thuộc loại nào trong các loại da cơ bản. Sau đây là các bước thực hiện:
- Bước 1: Tẩy trang, rửa mặt sạch khoảng 30 phút trước khi thử (nếu bạn rửa mặt xong rồi thử ngay thì kết quả sẽ không chính xác).
- Bước 2: Cắt giấy làm 6-8 miếng nhỏ. Áp giấy vào hai cánh mũi, hai gò má, trán và cằm (chỉ áp nhẹ, đừng chà xát mạnh). Đợi khoảng 5 phút rồi lấy giấy kiểm tra (có thể soi qua đèn).
- Bước 3: Kiểm tra kết quả
- Da thường: Nếu giấy thấm dầu chỉ dính dầu ở một vài điểm.
- Da khô: Nếu giấy thấm dầu sạch, khô thì bạn nằm trong loại da này.
- Da dầu: Nếu soi thấy giấy thấm dầu ướt thì chắc chắn là bạn thuộc da nhờn.
- Da hỗn hợp: Nếu giấy thấm dầu chỉ ướt vùng chữ T (trán, sống mũi, cánh mũi và cằm) ,còn những vùng má và quanh mắt thì không, vậy chắc chắn bạn nằm trong tuýp da hỗn hợp.
- Da nhạy cảm: Loại da này sẽ không xác định được bằng phương pháp giấy thấm dầu. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết da nhạy cảm qua các đặc điểm dễ dàng nhận biết bằng mắt thường khác.
Sử dụng giấy thấm dầu là cách nhanh nhất để xác định từng loại da, đặc biệt với da dầu.
Đặc điểm các loại da cơ bản
1. Da thường
Có thể nói, da thường là loại da dễ chăm sóc nhất trong tất cả các loại da. Những người thuộc loại da này thường không hay gặp các vấn đề về da. Đây là loại da lý tưởng nhất mà bất cứ ai cũng đều mong muốn có được, bởi các đặc tính như:
- Là loại da cân bằng, không tiết quá nhiều dầu và cũng không quá ít.
- Bề mặt da mịn màng, không có lỗ chân lông to.
- Da luôn trong tình trạng khỏe mạnh, ít bị nổi mụn.
Da thường có xu hướng khỏe mạnh, ít gặp vấn đề về da hơn so với các loại da mặt cơ bản khác.
2. Da dầu
Do có tuyến dầu hoạt động quá mức dưới da, nên đặc điểm chính của da dầu chính là toàn bộ khuôn mặt thường xuyên bị bóng nhờn. Một số điểm khác của làn da dầu như:
- Lỗ chân lông to hơn.
- Dầu thừa gây bóng nhờn trên da suốt ngày dài.
- Dễ nổi mụn trứng cá do dầu nhờn sản xuất quá mức gây bít tắc lỗ chân lông.
- Da có xu hướng sạm màu hơn.
Da dầu hay da dầu mụn thường gặp vấn đề về mụn trứng cá do sự tiết bã nhờn mạnh mẽ gây ra.
3. Da khô
Ngược lại với da dầu, da khô lại không sản xuất đủ dầu. Trong nhiều trường hợp, da khô là do các yếu tố bên ngoài như thời tiết, độ ẩm không khí thấp, ngâm mình trong nước nóng và thường chỉ mang tính chất tạm thời. Vì da khô có thể nứt nẻ khiến da tiếp xúc nhiều hơn với vi khuẩn, mặc dù nhìn chung điều này không nghiêm trọng nhưng nó có thể gây ra các rối loạn về da khác, chẳng hạn như bệnh chàm hoặc dễ bị nhiễm trùng hơn nếu không được quản lý đúng cách. Các đặc điểm thường thấy ở da khô như:
- Cảm giác căng cứng và khô ráp.
- Da bong tróc, ngứa, đỏ và các vết nứt nhỏ.
- Kết cấu da không đồng đều.
- Thiếu ẩm là nguyên nhân khiến da khô nhanh lão hóa hơn.
Tình trạng bong tróc hay gặp đối với làn da khô do thiếu ẩm.
4. Da hỗn hợp
Da hỗn hợp là sự kết hợp của các đặc điểm của da dầu và da khô do sự phân bố của tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi không đồng nhất. Các đặc điểm thường gặp của da hỗn hợp:
- Vùng da tiết nhiều dầu và dễ nổi mụn nhất thường là vùng chữ T (trán, mũi và cằm).
- Vùng da hai bên má là vùng da thường hoặc nhạy cảm, hoặc có xu hướng khô căng hơn.
Da tiết dầu ở vùng chữ T, khô ở hai bên má là đặc trưng của da hỗn hợp.
5. Da nhạy cảm
Da nhạy cảm dễ phản ứng với các kích thích mà da bình thường không có phản ứng. Loại da này có hàng rào bảo vệ da rất yếu, khiến vi sinh vật và các chất gây kích ứng dễ dàng xâm nhập, đồng thời làm tăng khả năng bị nhiễm trùng và dị ứng. Đôi khi, nó được gọi là da bị kích ứng thay vì nhạy cảm, nhưng những thuật ngữ này đồng nghĩa và không có sự khác biệt về da liễu giữa chúng. Một số đặc điểm nhận biết da nhạy cảm:
- Bề mặt da mỏng, yếu và sần sùi.
- Lỗ chân lông to.
- Vùng má thường xuất hiện rõ các đường mao mạch.
- Dễ bị kích ứng, nổi mẩn đỏ khi tiếp xúc với các tác nhân ngoài như mỹ phẩm, môi trường, thời tiết.
Da mỏng, lộ mao mạch và dễ ửng đỏ là những đặc điểm nhận dạng làn da nhạy cảm.
Phương pháp chăm sóc từng loại da
Với bất kỳ loại da nào, bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một thói quen skincare với các bước cơ bản không thể thiếu bao gồm:
- Làm sạch da đầy đủ với 2 bước cơ bản tẩy trang và sữa rửa mặt dịu nhẹ.
- Cân bằng độ pH bằng toner.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm để cung cấp đủ ẩm, đó là năng lượng giúp hàng rào bảo vệ da hoạt động hiệu quả.
- Dùng kem chống nắng phổ rộng SPF 30 trở lên để bảo vệ da dưới tác động từ tia UV, môi trường ô nhiễm.
Tuy nhiên, với mỗi loại da bạn có thể cân nhắc những điều dưới đây khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc phù hợp với làn da.
Da khô
Những người có làn da khô có thể cần một loại sữa rửa mặt rất dịu nhẹ và một loại kem dưỡng ẩm đậm đặc hơn các loại da khác. Các sản phẩm có chứa các thành phần
- Các chất giữ ẩm, hút độ ẩm cho da, chẳng hạn như glycerin hoặc axit hyaluronic.
- Dầu và bơ giữ ẩm bao gồm jojoba, lanolin hoặc bơ hạt mỡ.
Các sản phẩm có chứa cồn, retinoid, axit alpha-hydroxy hoặc nước hoa làm khô da, vì vậy tốt nhất bạn nên tránh những sản phẩm này.
Bổ sung các thành phần gốc dầu giúp giữ ẩm tốt cho làn da khô.
Da dầu
Da dầu thường rất dễ bị nổi mụn. Vì vậy, các bác sĩ da liễu khuyên những người có làn da dầu nên sử dụng các sản phẩm không chứa các thành phần không làm tắc nghẽn lỗ chân lông và không gây ra mụn. Những người có làn da dầu cũng có thể muốn sử dụng loại kem dưỡng ẩm nhẹ hơn những người có loại da khác để tránh tạo thêm dầu cho da.
Ngoài ra, sử dụng mặt nạ đất sét sẽ giúp hút sạch dầu thừa, giúp lỗ chân lông thông thoáng hơn.
Kem chống nắng không chứa dầu có chứa oxit kẽm hoặc titanium dioxide cũng có thể giúp giảm dầu và nguy cơ nổi mụn. Những người có làn da dầu nên tránh các chất tẩy rửa mạnh và các sản phẩm có chứa cồn. Mặc dù những chất này có thể tạm thời làm cho da có vẻ đỡ nhờn bóng nhưng chúng lại làm khô da, khiến da tiết nhiều dầu hơn sau đó. Bạn cũng nên sử dụng các sản phẩm trang điểm gốc nước thay vì các sản phẩm gốc dầu.
Da hỗn hợp
Những người có làn da hỗn hợp có thể làm theo nhiều bước tương tự như những người có làn da dầu, sử dụng sữa rửa mặt nhẹ nhàng và các sản phẩm nhẹ hoặc không chứa dầu để giảm dầu ở vùng chữ T. Đối với những vùng da khô, mọi người chỉ có thể thoa kem dưỡng ẩm chuyên sâu hơn cho những vùng đó.
Da hỗn hợp có thể dùng đa dạng sản phẩm giúp giải quyết từng vấn đề chuyên biệt cho mỗi vùng da.
Da nhạy cảm
Một người có làn da nhạy cảm cần xem xét cẩn thận loại sản phẩm họ sử dụng trên da. 3 thành phần mà da nhạy cảm tuyệt đối nên tránh khi sử dụng để làm giảm khả năng kích ứng mỹ phẩm như: silicon, paraben và hương liệu.
Lựa chọn kem chống nắng khoáng chất có chứa oxit kẽm hoặc titanium dioxide, thay vì kem chống nắng hóa học như oxybenzone. Đồng thời, hãy thử sản phẩm mới trên một vùng da nhỏ để kiểm tra khả năng dung nạp trước khi sử dụng lên toàn bộ các vùng da khác.
Da nhạy cảm nên chú ý tránh sử dụng các chất gây kích ứng như paraben, alcohol hay fragrance.