Ngày nay, hiện trạng sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc dẫn đến vấn đề da nhiễm corticoid khá phổ biến. Vậy, corticoid là gì? Cùng Sakirei tìm hiểu về loại thuốc này qua bài viết sau nhé.
Corticoid là gì?
Corticoid (còn được gọi là glucocorticoids hoặc corticosteroid) là một nhóm thuốc có tác dụng chống viêm, chống dị ứng và ức chế miễn dịch trong cơ thể. Nhờ đó, corticoid được sử dụng phổ biến cho mục đích điều trị y tế.
Corticoid được điều chế dưới nhiều dạng khác nhau như:
- Dạng viên uống
- Dạng tiêm/truyền tĩnh mạch
- Dạng bôi ngoài da (gel, kem bôi, thuốc mỡ).
- Dạng dung dịch dùng trong khí dung, xịt, dụng cụ hít.
Các loại corticoid được chia theo các mức độ từ nhẹ đến rất mạnh:
- Các loại corticoid nhẹ như clobetasone, kem bôi da hydrocortisone (trị mụn nhọt và ngứa vùng hậu môn), thường có thể mua không cần kê đơn ở các hiệu thuốc.
- Các loại mạnh hơn, chẳng hạn như beclomethasone, betamethasone, clobetasol, fluticasone và mometasone, chỉ được bán theo kê toa.
- Những loại corticoid mạnh khác được điều chế dưới dạng viên nén, viên nang, ống hít và corticosteroid tiêm.
Một số tình trạng được chỉ định điều trị bằng corticoid bôi ngoài da bao gồm:
- Bệnh chàm (Eczema)
- Viêm da tiếp xúc gây ra các triệu chứng như gàu và các mảng vảy trên da
- Bệnh vẩy nến
- Mụn nhọt
- Những dạng kích ứng da nhẹ do côn trùng cắn.
Nên lưu ý, corticoid bôi tại chỗ không thể chữa khỏi những tình trạng này nhưng có thể giúp giảm các triệu chứng.
Da bị nhiễm corticoid là gì?
Da bị nhiễm corticoid là tình trạng da bị tổn thương, viêm da dị ứng do sự tích tụ chất độc corticoid lâu ngày thông qua đường bôi ngoài da. Điều này có thể bắt nguồn từ việc sử dụng các loại mỹ phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc có sử dụng chất corticoid chưa được kiểm định, hoặc các loại corticoid mạnh không được chỉ định dùng bôi ngoài da. Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc corticoid trong điều trị các bệnh ngoài da trong thời gian dài hoặc nồng độ corticoid quá mạnh so với da cũng chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng nhiễm corticoid.
Những dấu hiệu da nhiễm corticoid thường thấy nhất:
- Viêm nang lông, làm xuất hiện các nốt mụn đỏ li ti sần sùi trên bề mặt da, gây ngứa ở vùng nang lông.
- Xuất hiện mụn trứng cá từ nhẹ đến trầm trọng hơn, tùy theo liều lượng corticoid đã tích tụ trên da.
- Phát ban đỏ khắp vùng da nhiễm corticoid.
- Da bị bào mòn, khiến da trở nên mỏng hơn, dễ bị đỏ da, bong tróc và hiện rõ mao mạch dưới da.
- Thay đổi màu da, điều này thường dễ nhận thấy hơn ở những người có làn da sẫm màu.
Hình ảnh minh họa dấu hiệu da nhiễm corticoid.
Các biến chứng của nhiễm corticoid là gì?
Da bị nhiễm corticoid có thể dẫn đến các biến chứng tổn thương da nghiêm trọng hơn nếu không được chữa trị sớm, điển hình như:
- Viêm da cấp tính: xuất hiện các vết sưng phồng rộp như bị bỏng và lan rộng khắp da mặt. Khi những vết phồng rộp này bị vỡ ra sẽ làm đau đớn, hệ quả là nhiễm trùng nghiêm trọng.
- Giãn mao mạch: có hiện tượng đỏ da, lộ rõ các mạch máu dưới da, nóng rát kèm theo cảm giác châm chích kéo dài.
- Hàng rào da bị phá vỡ: làm suy giảm sức đề kháng bảo vệ da dưới các tác động từ môi trường. Dễ nhận thấy nhất là khi da bị cháy nắng, dễ bị thâm sạm, sưng phồng hoặc ửng đỏ khi đi ngoài nắng.
Tình trạng giãn mao mạch, da ngứa đỏ khi nhiễm corticoid.
Da bị nhiễm corticoid có điều trị được không?
Da nhiễm corticoid có thể điều trị được với các phương pháp điều trị có tác dụng làm giảm viêm, hạn chế sự nhiễm trùng giúp da được phục hồi về trạng thái ổn định. Trong quá trình điều trị da nhiễm corticoid, bạn nên đến bệnh viện da liễu uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán, và lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp với tình trạng da. Ngoài ra, kết hợp với việc chăm sóc da tại nhà đúng cách sẽ giúp tăng hiệu quả phục hồi da một cách tốt nhất.
Cách điều trị da bị nhiễm corticoid tại nhà
Trong quá trị điều trị da bị nhiễm corticoid, bạn có thể tham khảo những cách sau để “chữa lành” làn da hiệu quả.
1. Giãn cách thời gian sử dụng corticoid
Người nhiễm corticoid nên giãn cách thời gian dùng corticoid để làn da tập thích nghi với việc ngưng dung nạp corticoid dần dần cho đến khi ngừng sử dụng hoàn toàn. Việc đột ngột dừng hẳn corticoid đột ngột sẽ khiến làn da xuất hiện các vết thâm nám, hoặc mụn trứng cá khó điều trị. Vì vậy, thời gian đầu bạn có thể sử dụng thuốc corticoid 3-4 lần/tuần, và giảm dần theo thời gian điều trị để da được ổn định.
2. Tối ưu hóa quy trình dưỡng da cơ bản
Lúc này, làn da của bạn đang trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Chính vì thế, chúng ta không thể cùng một lúc sử dụng trên da quá nhiều sản phẩm dưỡng da với hy vọng da sẽ sớm lành, điều này còn khiến nảy sinh thêm vấn đề lỗ chân lông bị bít tắc, nổi mụn ngày càng nặng và nhiễm trùng da. Chỉ cần đều đặn 3 bước này mỗi ngày để giúp điều trị da tốt nhất:
- Làm sạch: sử dụng các loại sữa rửa mặt dịu nhẹ, ít thành phần tạo bọt, tẩy rửa mạnh để ngăn tình trạng kích ứng da. Bạn có thể tìm các loại sữa rửa mặt hiện có ở các hiệu thuốc, có dán nhãn “dành cho da nhạy cảm” để đảm bảo an toàn.
- Dưỡng ẩm: Nên dùng sản phẩm dưỡng ẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên phù hợp cho da nhạy cảm hoặc các sản phẩm có chứa các thành phần phục hồi da như Vitamin B5, Hyaluronic Acid, Ceramide. Thoa kem dưỡng da 2 lần/ngày ở xung quanh vùng da kích ứng để giúp da không bị khô, bong tróc, phục hồi chức năng hàng rào bảo vệ da.
- Bảo vệ da: bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên khi đi ra ngoài nắng để bảo vệ da khỏi các tác động từ tia UV, và môi trường ô nhiễm. Nên nhớ tẩy trang sau mỗi cuối ngày để không bị bít tắc lỗ chân lông, gây mụn.
Chăm sóc da bằng những bước cơ bản trong khi điều trị corticoid để hạn chế sự kích ứng thêm trên da.
3. Sử dụng thuốc giảm viêm
Dùng thuốc đều đặn theo chỉ định của bác sĩ để giúp kháng viêm và nhiễm trùng trên da. Thông thường, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh Histamin - có tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh viêm da cấp tính, nấm da, giảm các triệu chứng dị ứng.
4. Dùng thuốc giải độc corticoid tại nhà
Trong rau diếp cá có chứa các thành phần giúp giải độc, kháng viêm rất tốt bao gồm Quercetin và Isoquercitrin, Vitamin A, đồng, sắt, cali,... Nhờ đó, rau diếp cá từ lâu được biết đến với công dụng đào thải độc tố, tái tạo và phục hồi, chống viêm cho những làn da mụn, bị dị ứng từ sâu bên trong. Người bị nhiễm corticoid có thể uống nước ép từ rau diếp cá mỗi ngày không chỉ tốt cho sức khoẻ, làm giảm tình trạng nhiễm độc Corticoid trên da.
Rau diếp cá không chỉ có tác dụng tốt cho sức khỏe, mà còn là cách thải độc tố cho da mặt bị nhiễm corticoid
Kết
Bản chất corticoid không phải là loại thuốc gây hại. Tuy nhiên, việc sử dụng corticoid cần phải được tư vấn hoặc chỉ định bởi dược sĩ có chuyên môn/các bác sĩ để tránh tình trạng dị ứng corticoid, cùng các triệu chứng không mong muốn khác. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về “corticoid là gì?”, từ đó bạn sẽ biết cách để phòng ngừa nhiễm corticoid nặng hơn về sau.