Thời đại ngày nay không chỉ công nghệ phát triển mà mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp cũng đang có những đột phá nổi bật, kéo theo đó là một loạt cơn sốt về các sản phẩm chứa Retinol và Retinoid làm mưa làm gió cộng đồng làm đẹp thời gian qua. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về Retinol và Retinoid để có cái nhìn chính xác về giá trị mà chúng mang lại.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về làm đẹp cũng tỉ lệ thuận mà phát triển theo. Dần dần, các thuật ngữ về skincare như Niacinamide, Glycerin, Hyaluronic Acid (HA), Lactic Acid (AHA) xuất hiện với tần suất dày đặc, và gần đây nhất chính là cụm từ Retinol và Retinoid.
Retinol và Retinoid – “Thành phần vàng” trong làng trẻ hoá da
Cộng đồng làm đẹp cũng từ đó mà trang bị cho bản thân kiến thức khá vững chắc về các thành phần dưỡng chất có trong các sản phẩm skincare, tất nhiên, Retinol và Retinoid cũng không ngoại lệ. Thoạt nhìn, ta cứ nghĩ Retinol và Retinoid là một, tuy nhiên đây là một đánh giá không hoàn toàn chính xác. Cùng đi sâu vào tìm hiểu “gương mặt vàng của làng skincare” để hiểu đúng về khái niệm cũng như chức năng của Retinol và Retinoid nhé!
Retinoid là gì?
Nói một cách nôm na dễ hiểu, Retinoid chính là tập hợp của vitamin A và các chất dẫn xuất vitamin A bao gồm các sản phẩm liều lượng nhẹ không cần kê đơn và các sản phẩm mạnh dùng để điều trị theo toa và hướng dẫn của bác sĩ. Hoạt lực của Retinoid khá mạnh, thường được điều chế trong phòng thí nghiệm và hiệu quả cao gấp nhiều lần so với Retinol.
Nhìn vào bảng thành phần của một số sản phẩm mỹ phẩm hay dược mỹ phẩm có chứa Retinol và Retinoid, ta có thể điểm ra một số hoạt chất đặc trưng như sau:
- Nhóm Ester: Retinol Esters (Este Retinol hay Retinyl Palmitate)
- Nhóm Alcol: Retinol
- Nhóm Aldehyde: Retinaldehyde hay Retinal
- Nhóm Acid: Tretinoin, Adapalene, Retinoic Acid Esters (Este Axit Retinoic)
Retinoid có hoạt lực khá mạnh, chỉ sử dụng khi có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ
Nhìn qua một lượt, điểm giống nhau của Retinoid và Retinoid mà ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là Retinol xuất hiện khá nhiều trong các nhóm chất thuộc Retinoid. Vì vậy không ít người hiểu lầm Retinol và Retinoid là một. Tuy nhiên, về khía cạnh nào đó, điểm khác nhau của Retinol và Retinoid chính là ở công thức hóa học và hoạt lực của hai hợp chất này. Vậy nên, nhiều người hay ví von Retinol là Retinoid không cần kê đơn của bác sĩ.
Retinol là gì?
Theo đánh giá của Tiến sĩ Da Liễu Melissa Levin - bác sĩ nghiên cứu tại Trung tâm Da Liễu Downtown tại Mahattan, Retinol và Retinoid đều là vitamin A và dẫn xuất vitamin A rồi chuyển hóa thành Retinoic Acid mang đến hiệu quả chống lão hóa tuyệt vời.
Retinol có tác động dịu nhẹ, chiết xuất chủ yếu từ các thành phần tự nhiên, thích hợp sử dụng hàng ngày mà không cần theo toa của bác sĩ
Tuy nhiên, khi xét đến cấu trúc nguyên tố hóa học thì Retinol thuộc nhóm Alcol trong khi Retinoid thuộc nhóm Acid. Vậy nên, việc sử dụng Retinol hàng ngày sẽ mang lại hiệu quả giúp cải thiện những vấn đề tuổi tác trên làn da, hỗ trợ làm giảm các nếp nhăn trên mặt trả lại làn da sáng mịn tự nhiên. Ngược lại, Retinoid có hoạt lực mạnh hơn 20 lần Retinol nên chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn và phải cần có chỉ định của bác sĩ để sử dụng liều lượng và tần suất sao cho hợp lý để đạt được hiệu quả trị liệu như mong muốn.
Với tác động khá “thân thiện” với làn da, Retinol thường được điều chế và chiết xuất từ các thành phần trong tự nhiên. Song, Retinoid có hoạt lực và nồng độ khá cao nên các hoạt động điều chế và sản xuất ở trong phòng thí nghiệm là điều bắt buộc.
Đây chính là những điểm khác nhau của Retinol và Retinoid mà chúng ta cần phải nắm thật kỹ để dễ dàng phân biệt các sản phẩm trên thị trường hiện nay, tránh tiền mất tật mang. Lợi dụng điểm giống nhau của Retinol và Retinoid, nhiều người đặt lợi ích lên đầu mà không tiếc chào bán sản phẩm của mình chứa Retinoid trong khi chỉ có một lượng nhỏ Retinol, điển hình là nhóm Ester dịu nhẹ nhất. Vậy nên, đừng vì những thuật ngữ Retinol và Retinoid đang làm mưa làm gió trên thị trường mà bất chấp mua về bằng được trước khi tìm hiểu tường tận nhé!
Lưu ý khi sử dụng Retinol
Với đặc tính dịu nhẹ thích hợp cho các dòng mỹ phẩm không quá đặt nặng về điều trị, các sản phẩm có chứa Retinol được chào đón rộng rãi tại bất kỳ cửa hàng mỹ phẩm nào mà không cần toa thuốc của bác sĩ. Chính vì mức độ thân thiện và thoải mái khi sử dụng, công dụng của Retinol gần như tương thích với mọi loại da, kể cả da nhạy cảm. Tuy nhiên, trước khi quyết định sử dụng Retinol, chúng ta vẫn cần lựa chọn kỹ sản phẩm và tìm ra quy trình chăm da phù hợp nhất để mang lại hiệu quả tối ưu nhất, tránh những trường hợp dị ứng và nổi mẩn ngoài mong muốn.
Nên sử dụng Retinol và Retinoid vào ban đêm để đạt hiệu quả tốt nhất
Thông thường, để đảm bảo mức độ an toàn khi sản phẩm tiếp xúc trên da, Tiến sĩ Melissa Levin còn chia sẻ rằng chúng ta nên bắt đầu với bước test dị ứng trước tiên với tần suất từ 1 đến 2 lần mỗi tuần với liều lượng sản phẩm ít hoặc các sản phẩm có nồng độ Retinol thấp. Nếu sau 2 tuần da không gặp các trường hợp dị ứng hãy tăng tần suất sử dụng và nâng nồng độ Retinol cao hơn. Một bí quyết khá hay để hạn chế tình trạng kích ứng là sử dụng kem dưỡng kháng viêm sau khi thoa Retinol đã được khá nhiều người sử dụng chia sẻ.
Bên cạnh đó, để sử dụng Retinol và Retinoid an toàn hơn thì khung giờ ban đêm là lý tưởng nhất vì cả 2 hợp chất này đều khá kị ánh nắng. Buổi tối còn là thời gian làn da trong quá trình tái tạo nên sẽ giảm thiểu việc kích ứng xảy ra khá tốt. Nhìn chung, công dụng của Retinol khá dịu nhẹ để bạn có thể lựa chọn sử dụng mà không cần dựa theo toa thuốc hay kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, do nồng độ Retinol khá thấp nên hiệu quả trên da cũng sẽ chậm hơn Retinoid vì cần nhiều bước chuyển hoá hơn để giải phóng Retinoic Acid.
Lưu ý khi sử dụng Retinoid
Khác với Retinol, công dụng của Retinoid khá mạnh, nên tuyệt đối phải có sự hướng dẫn của các bác sĩ có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Vì nồng độ Retinoid mạnh gấp 20 lần so với Retinol, tức là 0,025% nồng độ Tretinoin (một loại Retinoid có tác dụng trị mụn, tẩy tế bào da chết) sẽ tương đương 0.5% Retinol, nên hiệu quả làm giảm mờ các nếp nhăn cũng như tái tạo da sẽ tối ưu hơn Retinol khá nhiều. Tuy nhiên, Tretinoin rất dễ gây kích ứng và ẩn chứa nhiều tác dụng phụ nên cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ trước sử dụng.
Nên sử dụng Retinol và Retinoid với liều lượng và nồng độ thấp khi bắt đầu để đảm bảo độ an toàn
Về hiệu quả chống lão hoá và căng da mịn màng, Retinol với nồng độ 1% đã là sự lựa chọn lý tưởng giúp bạn nuôi dưỡng làn da khoẻ khoắn, săn chắc, mềm mịn mà không hề gây ra những tác động tiêu cực trên da. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng Retinol lâu dài mà vẫn đảm bảo được mức độ hiệu quả như mong muốn thay vì sử dụng Retinoid trong vòng 5 đến 6 tháng để đẩy nhanh quá trình và tăng cao hiệu quả kèm theo những tác dụng phụ không mong muốn.
Ngoài ra, một khi đã sử dụng Retinol và Retinoid, chúng ta không nên sử dụng kèm với Vitamin C, AHA, BHA hay Benzoyl Peroxide để tránh việc da bị kích ứng. Đặc biệt, với phụ nữ mang thai và đang cho con bú cũng không được sử dụng Retinol và Retinoid trong liệu trình chăm sóc da hàng ngày.
Tổng kết lại, cả Retinol và Retinoid đều làm cho da bạn khô, ửng đỏ và bong tróc ở những lần sử dụng đầu tiên. Để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng 2 hợp chất này với nồng độ và liều lượng thấp ở 2 đến 3 lần đầu để da được dung hợp và thích nghi tốt hơn. Tuỳ vào tình trạng da, bạn nên có sự tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn mua các sản phẩm có chứa thành phần là Retinol.
Riêng đối với Retinoid, bạn nên tuân theo các chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, tránh những trường hợp dị ứng, kích ứng hay các tác dụng phụ không mong muốn khác. Thực hiện quy trình chăm sóc da đúng cách, cả Retinol và Retinoid đều sẽ giúp xử lý mụn và chống lão hoá da cực kỳ hiệu quả!