Dị ứng thực phẩm là tình trạng cơ thể phản ứng với một số loại thực phẩm. Các tình trạng dị ứng có thể xảy ra từ nhẹ đến nghiêm trọng theo thể trạng mỗi người.
Cơ chế dị ứng thức ăn
Dị ứng thực phẩm là một bệnh lý phản ứng của hệ thống miễn dịch được kích hoạt khi ăn phải kháng nguyên protein thực phẩm. Ngay cả một lượng thức ăn nhỏ cũng có thể gây ra các triệu chứng như vấn đề về tiêu hóa, nổi mề đay, ban đỏ, hoặc nặng hơn có thể dẫn đến sốc phản vệ.
Cấp độ nặng nhất của dị ứng thực phẩm là sốc phản vệ có thể gây hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Dị ứng thức ăn vẫn thường bị nhầm lẫn với chứng không dung nạp thực phẩm. Mặc dù cả hai đều có những triệu chứng gây khó chịu về đường tiêu hóa, nhưng tình trạng không dung nạp thực phẩm như lactose không liên quan đến sự rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch, và có tính chất ít nghiêm trọng hơn so với dị ứng thực phẩm.
Các tác nhân gây dị ứng thực phẩm
Thông qua Đạo luật ghi nhãn và bảo vệ người tiêu dùng năm 2004 (FALCPA), FDA đã xác định các thực phẩm phổ biến gây ra phản ứng dị ứng:
- Sữa là loại thực phẩm gây dị ứng phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Khoảng 2,5% trong nhóm tuổi này phản ứng với sữa bò.
- Trứng chủ yếu gây dị ứng ở trẻ dưới 16 tuổi và ít gặp hơn ở người lớn. Khoảng 70% trẻ em bị dị ứng với trứng nướng vì nhiệt độ cao sẽ phá vỡ cấu trúc protein gây dị ứng từ trứng.
- Đậu phộng là loại thực phẩm phổ biến thứ hai gây dị ứng ở mọi lứa tuổi. Tuy có khoảng 20% trẻ em sẽ hết bệnh theo thời gian, nhưng đa số tình trạng dị ứng với đậu phộng sẽ kéo dài suốt đời.
- Vừng và các loại hạt (hạt dẻ, hạt óc chó, hạt điều,...) đều được xếp vào các loại thực phẩm có thể gây dị ứng ở mức độ nặng. Một số loại dầu hạt được tinh chế kỹ lưỡng để loại bỏ protein gây dị ứng ra khỏi dầu, nhưng những người bị dị ứng với hạt nên cẩn thận hơn khi ăn thực phẩm chế biến từ dầu hạt.
- Cá là loại thức ăn có chứa protein parvalbumin, đây là nguyên nhân chính của hầu hết các phản ứng dị ứng. Những người bị dị ứng với cá cũng có xu hướng nhạy cảm với các thực phẩm động vật khác.
- Hải sản được chia thành hai nhóm là nhóm động vật vỏ giáp xác (tôm, cua) và nhóm động vật thân mềm (nghêu, sò, hàu, ốc, mực, bạch tuộc). Dị ứng với động vật giáp xác có xu hướng phổ biến hơn, trong đó chủ yếu dị ứng với tôm.
Một số nguồn thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng đồ ăn cao nhất.
Dấu hiệu dị ứng thức ăn
Dựa vào các biến số khác nhau về tác nhân dị ứng, cơ chế và tuổi tác bệnh nhân, các triệu chứng và dấu hiệu dị ứng thực phẩm sẽ khác nhau. Nếu bạn bị dị ứng với thực phẩm đã ăn, các triệu chứng có thể xuất hiện sau vài phút đến vài giờ.
Các dấu hiệu bị dị ứng thức ăn bao gồm:
- Cảm giác chóng mặt, buồn nôn.
- Cảm giác ngứa trên da, phát ban đỏ, nổi mề đay.
- Viêm da dị ứng
- Các dấu hiệu bị phù nề như sưng môi, mặt và mắt.
- Đau bụng, tiêu chảy.
- Bị ho, khó thở, thở khò khè hoặc khàn giọng.
- Sốc phản vệ.
Da nổi mề đay, ngứa rát là biểu hiện của dị ứng thức ăn thường gặp ở mọi lứa tuổi.
Các phương pháp điều trị dị ứng sản phẩm
Điều đầu tiên sau khi bạn đã nhận biết chính xác các dấu hiệu của dị ứng thức ăn, hãy dừng sử dụng tất cả các loại thực phẩm bạn vừa ăn trước đó, cho đến khi xác định được loại thực phẩm nào gây ra dị ứng.
Đến bệnh viện ngay sau khi phát hiện dấu hiệu dị ứng để được chẩn đoán nguyên nhân dị ứng thực phẩm.
Cách điều trị dị ứng thức ăn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng. Một số điều mà bạn có thể tham khảo trong điều trị dị ứng thức ăn là:
- Trong trường hợp dị ứng ở mức độ nhẹ, thuốc kháng sinh histamin được kê đơn có thể giúp giảm các triệu chứng dị ứng thức ăn nổi mề đay, ngứa, buồn nôn. Loại thuốc này có thể dùng sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh histamin không thể điều trị phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
- Trong trường hợp dị ứng nặng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức để được các bác sĩ chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
- Tránh xa các thức ăn có nguy cơ gây dị ứng và đọc kỹ nhãn thực phẩm trước khi dùng.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Một trong những chìa khóa ngăn ngừa phản ứng dị ứng quay trở lại một lần nữa là tránh hoàn toàn thực phẩm gây ra các triệu chứng của bạn. Đồng thời, bạn cũng nên lưu ý những điều sau:
- Luôn đọc kỹ thành phần thực phẩm để đảm bảo chúng không chứa bất kỳ chất gây dị ứng thông thường nào hay không.
- Khi đến ăn tại các nhà hàng hay các buổi tiệc tùng, bạn luôn có nguy cơ ăn phải một loại thực phẩm mà bạn bị dị ứng. Vậy nên, hãy nói trước với người chuẩn bị thức ăn cho bạn những loại thực phẩm mà bạn không thể ăn được.
- Mang theo bên mình những loại thuốc chống dị ứng khi đi ăn ngoài, hay đi du lịch.
- Trong trường hợp bị dị ứng ở cấp độ nặng, bạn cần đến gặp trực tiếp bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc kê đơn trong trường hợp khẩn cấp.
Kiểm tra thành phần thực phẩm ngay trên bao bì để đảm bảo bạn không gặp phải thức ăn gây dị ứng.